Trang chủ / Blog / Ban hành kế hoạch Triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024

Ban hành kế hoạch Triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024


Ban hành kế hoạch Triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024

Thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 11/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới; trong đó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Hằng năm, tổ chức, triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”;

Căn cứ thực tế công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; Ban chỉ đạo liên ngành TƯ về an toàn thực phẩm ban hành Kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024 (sau đây gọi tắt là Tháng hành động) như sau:

I. CHỦ ĐỀ “THÁNG HÀNH ĐỘNG” NĂM 2024

1. Lý do chọn chủ đề

Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương; cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã vào cuộc và tạo được sự chuyển biến rõ rệt, đạt được những thành tích quan trọng trên các lĩnh vực. Công tác tuyên truyền, thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm được tăng cường, góp phần ngăn chặn kịp thời, giảm nguy cơ mất an toàn thực phẩm, đặc biệt là giảm các vụ ngộ độc tại các khu công nghiệp.

Hệ thống văn bản pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế. Bước đầu hình thành các vùng nguyên liệu sạch và chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; Đấu tranh phòng chống gian lận thương mại trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm từng bước đạt được nhiều thành tựu. Nhận thức và trách nhiệm của người tiêu dùng được nâng cao.  

Tuy nhiên, bên cạnh các thành tựu đã đạt được, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Xuất hiện việc nhập lậu một số thực phẩm nguy hại, nhiều loại thực phẩm với hình thức kinh doanh mới (như kinh doanh, quảng cáo trên nền tảng xã hội đa quốc gia) khó quản lý. Năng lực hậu kiểm còn hạn chế; thiếu hụt lực lượng triển khai, nhất là ở cấp huyện, cấp xã. Chưa ứng dụng được công nghệ thông tin trong quản lý an toàn thực phẩm. Thực trạng trên đã và đang đặt ra các yêu cầu mới: đề cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương, nhất là chính quyền cơ sở trong đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm.

2. Chủ đề

An ninh, an toàn thực phẩm là vấn đề hệ trọng, cấp bách, lâu dài; tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ nhân dân, chất lượng giống nòi dân tộc. Ngày 21 tháng 10 năm 2022, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”. Để tăng cường hơn nữa công tác đảm bảo an ninh an toàn thực phẩm, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy và các cấp chính quyền, người quản lý, người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm; để đáp ứng ngày càng cao hơn trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, chủ đề “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024 là:

“Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm.

2. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm; Nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

3. Nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.

III. THỜI GIAN VÀ PHẠM VI TRIỂN KHAI:

- Thời gian: Từ 15/4 đến 15/5/2024.

- Phạm vi triển khai: Trên phạm vi toàn quốc.

IV. CÁC HOẠT ĐỘNG

4.1. Tổ chức phổ biến, triển khai “Tháng hành động”

- Tại Trung ương: thành viên Ban chỉ đạo liên ngành TƯ về an toàn thực phẩm, các Bộ, ngành tham dự hội nghị, lễ phát động “Tháng hành động” năm 2024 của các địa phương.

- Tại địa phương: căn cứ vào thực tế, tình hình dịch bệnh trên địa bàn để tổ chức (hội nghị hoặc lễ phát động hoặc hình thức khác) phổ biến công tác triển khai “Tháng hành động”.

Thời gian: Từ ngày 15/4 đến 20/4/2024.

4.2. Triển khai chiến dịch truyền thông (xem phụ lục I)

4.2.1. Tại Trung ương:

- Bộ Y tế - Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành TW về an toàn thực phẩm phối hợp với các Bộ ngành, địa phương xây dựng các thông điệp truyền thông về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm phục vụ Tháng hành động. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan thông tin đại chúng như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam,.. và các đoàn thể quần chúng, tổ chức chính trị-xã hội phổ biến, tuyên truyền pháp luật về an toàn thực phẩm đến các nhóm đối tượng; phổ biến kiến thức phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, biểu dương các tổ chức, cá nhân có các sáng kiến, kỹ thuật đảm bảo an toàn thực phẩm, góp phần phát triển kinh tế; công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm gây hậu quả nghiêm trọng.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương:

+ Phối hợp với các phương tiện truyền thông để phổ biến kiến thức khoa học về an toàn thực phẩm, các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; tác hại của thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng; công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

+ Phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tiếp tục tuyên truyền Chương trình phối hợp giữa Chính phủ - Hội Nông dân Việt Nam – Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam “tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn 2021 -2025”; Đề án "Xây dựng và phát triển mô hình cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên phạm vi toàn quốc”; Chương trình về sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát ATTP ngay từ các yếu tố đầu vào và liên kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn trên toàn quốc.

- Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về an toàn thực phẩm trong Tháng hành động. Huy động các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương, địa phương tham gia chiến dịch truyền thông về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, biểu dương, quảng bá các sản phẩm, các mô hình, chuỗi sản xuất, kinh doanh, cung ứng thực phẩm an toàn.

- Các Bộ ngành liên quan, theo chức năng nhiệm vụ phối hợp với các địa phương phổ biến kiến thức pháp luật an toàn thực phẩm, kiến thức phòng ngừa ngộ độc thực phẩm đến các đơn vị theo ngành dọc quản lý.

4.2.2. Tại địa phương:

- UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc TW chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí, các cơ quan truyền thông ở địa phương phổ biến quy định pháp luật an toàn thực phẩm, tham gia chiến dịch truyền thông về bảo đảm an toàn thực phẩm, biểu dương, quảng bá các sản phẩm, các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, phù hợp tình hình thực tế trên địa bàn.

- Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội triển khai tuyên về an toàn thực phẩm.

- Huy động hệ thống loa truyền thanh thị trấn/phường/xã tham gia tuyên truyền chính sách, pháp luật, kiến thức về an toàn thực phẩm đồng thời cảnh báo đến người tiêu dùng những tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm các quy định của pháp luật.

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các mô hình sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất sản phẩm thực phẩm an toàn, mang đậm nét truyền thống, đặc sản địa phương...

- Công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm trái pháp luật.

4.3. Hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 (xem Phụ lục II).

4.3.1.Tại Trung ương

- Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm tổ chức các đoàn kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của Trung ương trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của các Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm địa phương, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý; kiểm tra thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm.

- Kết thúc đợt thanh tra, kiểm tra Tháng hành động năm 2024, các đoàn kiểm tra tổng hợp kết quả, báo cáo theo quy định.

4.3.2. Tại địa phương

- Căn cứ vào Kế hoạch triển khai Tháng hành động năm 2024 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, các Bộ ngành liên quan; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan xây dựng kế hoạch Tháng hành động phù hợp với yêu cầu và tình hình bảo đảm an toàn thực phẩm của địa phương, triển khai công tác thanh tra, kiểm tra Tháng hành động tại địa phương và thực hiện từ tuyến tỉnh đến quận/huyện, thị trấn/phường/xã; chuẩn bị nội dung báo cáo của địa phương với các đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương; tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra theo Kế hoạch đã xây dựng.

- Khi tổ chức các đoàn kiểm tra cần có đầy đủ thành phần chuyên môn và đủ thẩm quyền, chuẩn bị đầy đủ các văn bản có liên quan, trang thiết bị kỹ thuật lấy mẫu, dụng cụ kiểm tra nhanh tại hiện trường, xử lý nghiêm và kịp thời các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

V. NGUỒN LỰC

1. Kinh phí

- Nguồn kinh phí chi thường xuyên về an toàn thực phẩm;

Nguồn kinh phí không thường xuyên từ ngân sách nhà nước;

- Kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác.

2. Tài liệu

- Thông điệp của Tháng hành động năm 2024.

- Các địa phương chủ động xây dựng tài liệu truyền thông cho địa phương dựa trên tài liệu tham khảo đăng trên trang điện tử của Cục An toàn thực phẩm-Bộ Y tế (địa chỉ http://vfa.gov.vn) và của các đơn vị thuộc các Bộ, ngành liên quan (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công Thương...).

VI. TỔ CHỨC TRIỂN KHAI

1. Cơ quan chủ trì

1.1. Tại Trung ương

Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm (Bộ Y tế là cơ quan thường trực, đặt tại Cục An toàn thực phẩm).

1.2. Tại địa phương

- Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm các tỉnh/thành phố

- Ủy ban nhân dân các cấp.

- Các Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm các cấp tại địa phương.

2. Cơ quan phối hợp

Bộ Nông Nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan có liên quan.

3. Các tổ chức, đoàn thể, quần chúng

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Hội Nông dân Việt Nam; Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam; Hiệp hội thực phẩm chức năng, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam phối hợp triển khai Tháng hành động.

Nguồn: Ban hành kế hoạch Triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024 (vfa.gov.vn)

Ban hành kế hoạch Triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024